Bối cảnh Hoa quân nhập Việt

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, quân Nhật Bản đầu hàng phe Đồng minh. Theo thỏa thuận Potsdam, quân Anh sẽ giải giáp cho quân Nhật tại Việt Nam từ vĩ tuyến 16 về phía Nam và quân Trung Quốc sẽ giải giáp cho quân Nhật từ vĩ tuyến 16 về phía Bắc.

Khi quân Đồng Minh chưa đến nơi, Việt Minh thực hiện cách mạng tháng Tám, lật đổ chính quyền Đế quốc Việt Nam, thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Theo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quân Trung Quốc có âm mưu "Diệt Cộng cầm Hồ" tức là "Diệt Cộng sản, bắt Hồ Chí Minh", lật đổ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[3] Ở miền Nam, quân Anh có trách nhiệm giải giáp quân Nhật và duy trì trật tự công cộng. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, các lực lượng vũ trang Việt Nam đồng loạt tấn công quân Pháp vừa đổ bộ vào Sài Gòn. Quân Anh và Nhật hợp tác với quân Pháp đẩy lùi quân Việt Nam về vùng nông thôn và sau đó mở rộng chiếm đóng toàn miền Nam.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ phải đối mặt với vô vàn khó khăn:

  • Về quân sự: 20 vạn quân Tưởng chiếm đóng ở miền Bắc, 6 vạn quân Nhật được quân Anh sử dụng, quân Pháp tấn công trở lại.
  • Về kinh tế: Tài nguyên quốc gia cạn kiệt. Ngân hàng Đông Dương nằm trong tay tư bản nước ngoài. Trung Quốc dùng đồng tiền "quan kim" và "quốc tệ" để đổi lấy tiền Việt, làm lũng đoạn thị trường Việt Nam. Mùa màng thát bát, nạn đói tràn lan.
  • Về chính trị: Các lực lượng chính trị được quân Tưởng hậu thuẫn như Việt Quốc, Việt Cách được tham gia Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà không qua bầu cử, sau đó lại gây chia rẽ nghiêm trọng. Việt Quốc, Việt Cách phát hành các báo Thiết thực, Đồng Tâm, rải truyền đơn tố cáo Việt Minh độc tài, đàn áp các đảng phái quốc gia và hợp tác với Pháp[4]. Việt Quốc, Việt Cách cũng chuẩn bị các bước nhằm đảo chính, lật đổ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó Việt Minh mở chiến dịch trấn áp Việt Quốc, Việt Cách[5]. Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến tan rã do các lãnh đạo Việt Quốc, Việt Cách rời bỏ chính phủ lưu vong sang Trung Quốc[6][7].